
Qúa trình phát triển của thai nhi
Đã quá hẹn mà em bé của bạn vẫn còn muốn nán lại với cái tổ ấm áp suốt 9 tháng qua thêm vài ngày, chưa chịu ra! Sự chờ đợi đôi khi khiến bạn cảm thấy lo lắng. Bạn hãy vận động nhẹ nhàng để giúp kích thích em bé chào đời.Những em bé quá ngày dự sinh có thể quá to, gây khó khăn cho việc sinh nở. Một số nguy cơ thai kỳ có thể xảy ra như vôi hóa nhau thai, nước ối cạn, dây rốn bị vặn xoắn...
Lúc này, các bác sĩ sẽ theo dõi sát sao. Tùy tình trạng của em bé mà bạn có thể quyết định đợi cho em bé ra đời một cách tự nhiên hay phải sử dụng các biện pháp can thiệp như kích đẻ, mổ. Thông thường, các bác sĩ sẽ quyết định mổ lấy thai khi em bé ở tuần 42.

Cuộc sống của bạn đang thay đổi thế nào
Đây cũng là giai đoạn mẹ cần nắm vững những dấu hiệu chuyển dạ của cơ thể, bởi chúng có thể đến bất cứ lúc nào:- Ra dịch nhầy có màu hồng: Đây là dấu hiệu cổ tử cung bắt đầu mở, chuẩn bị cho việc sinh nở. - Tiêu chảy: ở tuần 41 trở đi, tiêu chảy có thể không phải là kết quả của món đồ cay bạn ăn mà có thẻ là dấu hiệu hormone chuyển dạ đã xuất hiện trong cơ thể bạn.
- Buồn nôn: Một số người khẳng định họ cảm thấy quặn thắt ruột và buồn nôn ngay trước khi cơn chuyển dạ bắt đầu.
- Cơn co: Dấu hiệu này đã quen thuộc từ vài tuần nay và có thể khiến bạn không để ý. Tuy nhiên, nếu thấy tần suất cơn co dồn dập, dưới 5 phút một lần và thời gian này ngày càng ngắn. Đây chính là lúc bạn nên nhập viện ngay lập tức!
- Đau lưng: Nếu bạn cảm thấy đau lưng dữ dội hoặc đột ngột, đó có thể là dấu hiệu của chuyện dạ.
- Vỡ ối: Nếu bạn thấy nước chảy ra từ âm đạo, đó có thể là do ối đã bị vỡ. Thông thường các cơn chuyển dạ sẽ bắt đầu ngay sau khi vỡ ối. Vì vậy, hãy nhập viện ngay khi có thể!
Hành động bạn cần làm trong tuần thứ cuối cùng của thai kỳ
Bạn cần nắm rõ các dấu hiệu và giai đoạn chuyển dạ của mình
Với những người mang thai lần đầu, chuyển dạ thường kéo dài khoảng 15 giờ, có một số ít tới hơn 20 giờ. Với người mang thai lần 2 trở đi, thời gian trung bình là 8 giờ. Quá trình chuyển dạ chia làm 3 giai đoạn:- Giai đoạn 1:
Bắt đầu từ khi bạn có cơn gò dồn dập khoảng 30 giây một lần và mỗi lần kéo dài 1 phút. Con số này chỉ có tính chất tham khảo vì có thể khác nhau với những người khác nhau. Vỡ ối. Giai đoạn này kết thúc khi cổ tử cung mở khoảng 8 - 10 cm.- Giai đoạn 2:
Khi cổ tử cung mở hoàn toàn, giai đoạn 2 bắt đầu. Đó là lúc bạn sẽ rặn để đẩy em bé ra ngoài. Với một số người, giai đoạn này có thể tính bằng phút trong khi với người khác có thể kéo dài vài giờ.- Giai đoạn 3:
Là giai đoạn xổ nhau thai. Đây là giai đoạn khá nhẹ nhàng.Sự thay đổi ngay sau khi sinh của bạn
Có thể bạn đã giảm 1/2 trọng lượng đã tăng trong thời gian mang bầu. Nếu sinh thường và phải khâu âm hộ, bạn có thể bị đau một thời gian, gặp khó khăn trong việc ngồi hoặc đi vệ sinh. Nếu sinh mổ, bạn thường phải ở lại viện 5 ngày. Vết mổ cũng có thể khiến bạn đau đớn đôi chút. Tuy nhiên, hãy chịu khó vận động sau khi sinh. Sau khi sinh, sản dịch sẽ ra kéo dài khoảng 1-2 tuần. Bạn sẽ phải dùng băng vệ sinh như giai đoạn “đèn đỏ”.Bạn có thể trải qua giai đoạn buồn phiền sau sinh. Do cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, mất ngủ, lo lắng và loay hoay với vai trò mới có thể khiến bạn thấy tủi thân và trầm cảm. Thay vì giữ mọi thứ trong lòng, hãy chủ động chia sẻ và nhờ cậy đến sự giúp đỡ của những người thân yêu ở bên cạnh.
''Bạn đã trải qua một chặng đường dài với nhiều vất vả để mang đến cho thế giới này một thiên thần. Giờ là lúc bạn hãy tận hưởng một chặng đường mới của cuộc đời. Sự xuất hiện của em bé sẽ khiến bạn chứng kiến nhiều sự thay đổi của bản thân. Khởi đầu có thể còn nhiều bỡ ngỡ nhưng bạn không cần phải quá lo lắng, làm mẹ là quá trình bạn lớn lên và học làm người cùng con. Hãy tự tin vào khả năng của mình. Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là học cách yêu thương em bé đúng cách và rồi mọi chuyện sẽ ổn. Chúc bạn và gia đình có một “hành trình cùng lớn” hạnh phúc và tràn ngập yêu thương!''