Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Các yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của Bé

- Chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ
Trong quá trình mang thai, những thực phẩm mẹ ăn chính là nguồn dinh dưỡng chính bé tiếp nhận để phát triển. Nếu trong quãng thời gian quan trọng này, mẹ không bổ sung một chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý và đầy đủ dưỡng chất, thai nhi sẽ tiếp nhận được ít dinh dưỡng từ mẹ và dẫn đến thiếu chất, chậm phát triển, không phát triển tối ưu.
Thai phụ nhẹ cân sẽ gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thai nhi. Bên cạnh đó, thai phụ ăn nhiều nhưng không cung cấp đủ dinh dưỡng cũng dẫn đến tình trạng thai nhi nhẹ cân. Mẹ cần lưu ý đặc biệt giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất - đây chính là giai đoạn quan trọng nhất để trẻ phát triển tối ưu.
Khi mang thai thì phụ nữ phải ăn cho hai người nên cần tăng lượng thực phẩm. Có nhiều người tin như vậy mặc dù quan điểm này đã lỗi thời từ lâu. Thực ra, các bằng chứng khoa học đã chứng minh rằng không nên tăng số lượng thực phẩm mà cần cải thiện về mặt chất lượng, đặc biệt là các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm.

- Giới tính của thai nhi
Giới tính của thai nhi cũng là một yếu tô ảnh hưởng tới cân nặng của thai nhi. Thông thường, cân nặng giữa bé nam và bé nữ có mức chênh lệch nhất định. So với các bé trai, bé gái thường sẽ có chiều cao và cân nặng thấp hơn.

- Sức khoẻ của Mẹ
Trong quá trình mang thai, nếu mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ hoặc bị béo phì, thai nhi sẽ có cân nặng lớn hơn so với những em bé bình thường khác.
Mẹ bầu cần tránh sử dụng thực phẩm chứa quá nhiều đường trong quá trình mang thai để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho cả mẹ và bé.
Nếu mẹ bầu có triệu chứng nghén, căng thẳng, áp lực, mẹ bầu bị cao huyết áp, thường xuyên sử dụng các chất kích thích (thuốc lá, rượu, bia, cafe,…) thì thai nhi sẽ bị ảnh hưởng và nhẹ cân.

- Thời gian mang thai
Yếu tố tiếp theo chính là thời gian mang thai. Chắc chắn rồi, những em bé sinh đủ ngày, đúng tháng hay lâu hơn thời gian dự sinh sẽ luôn lớn hơn những bé sinh non (thiếu tháng).
Hơn thế, trẻ sinh non còn có nhiều nguy cơ như: ngay khi sinh ra trẻ có thể bị ngạt, suy hô hấp, hạ thân nhiệt, rối loạn chuyển hóa như hạ đường máu, rối loạn điện giải, canxi, nước, hoặc trẻ sẽ bị nhiễm trùng, xuất huyết (đặc biệt nguy hiểm là xuất huyết não và màng não), hoặc trẻ bị tan máu, vàng da, hay bị viêm ruột hoại tử…
Bởi vậy mới nói giai đoạn thai kỳ là giai đoạn rất quan trọng và có liên qua chặt chẽ đến sự phát triển về mặt chiều cao, cân nặng và sức khỏe của trẻ.

- Thể chất của Bố Mẹ
Theo các nghiên cứu khoa học: 23% vóc dáng của trẻ sau này do yếu tố di truyền từ cha mẹ quyết định. Từ đó có thể nhận thấy rằng, nếu bố mẹ có vóc dáng cao, con sinh ra rất có thể sẽ cao như bố mẹ và ngược lại nếu bố mẹ có chiều cao và cân nặng hạn chế, con sinh ra có thể sẽ thấp và nhẹ cân hơn mức cân nặng và chiều cao chuẩn.
Nhưng các bố mẹ cũng đừng quá lo lắng bởi tất cả sẽ chỉ dừng lại ở chữ "có thể". Di truyền không phải là yếu tố quyết định chính sự phát triển về mặt chiều cao cũng như cân nặng của trẻ sau này mà các yếu tố quan trọng khác cũng có tầm ảnh hưởng vô cùng mật thiết chính là: Chế độ dinh dưỡng cho bé và yếu tố môi trường thói quen sinh hoạt của trẻ.